• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRƯỜNG THPT MINH CHÂU
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

BẢN THAM LUẬN VỀ CÔNG TÁC CHUYÊN MÔN CỦA GIÁO VIÊN

              BẢN THAM LUẬN VỀ CÔNG TÁC CHUYÊN MÔN CỦA GIÁO VIÊN

Kính thưa: Đoàn chủ tịch.

 Kính thưa toàn thể hội nghị

 Trước khi trinh bày bản tham luận về công tác chuyên môn tôi hoàn toàn nhất trí với bản báo cáo tổng kết năm học 2023 - 2024 và phương hướng nhiệm vụ năm học 2024 – 2025 do đồng chí hiệu trưởng thông qua. Chúc hội nghị thành công rực rỡ.

 Kính thưa toàn thể hội nghị:

   Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý vào bậc nhất trong những nghề cao quý, là nghề sáng tạo bậc nhất trong những nghề sáng tạo…vì nó sáng tạo ra những con người sáng tạo”. Quả đúng như vậy, nghề dạy học là một nghề hết sức đặc biệt không giống như những ngành nghề khác – đó là nghề trồng người và sản phẩm của nghề dạy học chính là con người. Và nếu người kĩ sư vui mừng nhìn thấy cây cầu của mình vừa mới xây xong, người nông dân mỉm cười nhìn đồng lúa của mình đã được thu hoạch thì người giáo viên vui sướng nhìn thấy học sinh của mình trưởng thành và lớn lên.

 Trong nghề giáo có giây phút nào vui hơn, hạnh phúc hơn khi nhìn những ánh mắt trông chờ, say sưa nghe như nuốt lấy từng lời giảng của thầy cô? Có tự hào nào hơn khi thấy học sinh bước lên bục nhận phần thưởng? Có niềm vui nào hơn khi giữa phố chợ tấp nập ồn ào có tiếng chào thầy, chào cô!” hay những cái cúi đầu lễ phép? Có sung sướng, hạnh phúc nào hơn khi học sinh đỗ đại học sau 12 năm đèn sách?

   Để có được cái nhìn ngưỡng mộ tôn trọng của học sinh trước tiên đối với người thầy cần không ngừng trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, có một năng lực sư phạm tốt. Ở bài tham luận này tôi xin phép được đi sâu hơn vào lĩnh vực chuyên môn giảng dạy- một trong những nhiệm vụ quan trọng bậc nhất của người giáo viên - quyết định một phần không nhỏ vào sự thành bại của sự nghiệp trồng người.

Kính thưa toàn thể hội nghị

   Chuyên môn là nền tảng quan trọng và là yếu tố quyết định chất lượng giáo dục. Ở vai trò là người trực tiếp giảng dạy, tôi nhận thấy mỗi giáo viên không chỉ là người truyền đạt kiến thức mà còn là người hướng dẫn, định hướng tư duy và phát triển nhân cách cho học sinh. Công tác chuyên môn vững chắc sẽ giúp giáo viên thực hiện tốt vai trò này.

 

Trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay, yêu cầu về chất lượng giảng dạy và học tập ngày càng cao. Điều này đòi hỏi giáo viên phải không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, cập nhật kiến thức, đổi mới phương pháp dạy học để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của học sinh.

 

Trước tiên chúng ta cùng nhìn nhận về thực trạng công tác chuyên môn hiện tại

Về ưu điểm:

- Nhiều giáo viên đã chủ động tiếp cận các phương pháp dạy học hiện đại, tích cực sử dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, từ đó tạo hứng thú học tập cho học sinh.

-  Các thầy cô luôn nỗ lực tự học, tự nghiên cứu để nâng cao kiến thức chuyên môn. Nhiều giáo viên đã tham gia các khóa học bồi dưỡng chuyên môn, các hội thảo chuyên đề để cập nhật kiến thức mới.

-  Tinh thần đoàn kết, hợp tác giữa các giáo viên trong tổ chuyên môn, giữa các lớp, các khối cũng được nâng cao. Các hoạt động sinh hoạt chuyên môn ngày càng hiệu quả, góp phần cải tiến phương pháp giảng dạy.

Về hạn chế:

Áp lực công việc: Khối lượng công việc ngày càng lớn, gv phải kiêm nhiệm nhiều công việc, tham gia các hoạt động ngoại khóa, khiến nhiều giáo viên gặp khó khăn trong việc cân bằng thời gian dành cho chuyên môn.

Phương pháp giảng dạy chưa đồng đều: Một số giáo viên vẫn còn gặp khó khăn trong việc đổi mới phương pháp dạy học, chưa ứng dụng linh hoạt các công cụ công nghệ thông tin.

Chưa tối ưu hóa được sự tương tác với học sinh: Mặc dù nhiều giáo viên đã tích cực đổi mới phương pháp, nhưng vẫn chưa khai thác hết tiềm năng của các phương pháp giảng dạy tích cực để tăng cường sự tương tác và hứng thú học tập của học sinh.

Xuất phát từ thực trạng trên, theo tôi để hoạt động chuyên môn thực sự có hiệu quả người giáo viên cần xác định nhiệm vụ cụ thể cho từng khâu trong quá trình dạy học.

        Trước hết là việc thực hiện chương trình và kế hoạch dạy học theo quy định của Bộ, ngành. Người giáo viên cần lưu ý đến việc dạy học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng bộ môn vì “Chuẩn kiến thức, kỹ năng là những yêu cầu cơ bản, tối thiểu về kiến thức, kĩ năng của môn học, hoạt động giáo dục mà học sinh cần phải có và có thể đạt được sau từng giai đoạn học tập”. Đây chính là cơ sở pháp lí thực hiện dạy học đảm bảo những yêu cầu cơ bản, tối thiểu của chương trình, thực hiện dạy học, kiểm tra, đánh giá phù hợp với các đối tượng học sinh, trên cơ sở đó sẽ đáp ứng nhu cầu phát triển của từng cá nhân học sinh đồng thời giúp giáo viên chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong áp dụng chương trình, từng bước đem lại cho học sinh sự bình đẳng trong phát triển năng lực cá nhân.

   Thứ hai người giáo viên cần quan tâm đặc biệt tới việc thiết kế bài, chuẩn bị giáo án trước khi lên lớp. Cần soạn bài theo hướng đổi mới, phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh trong chiếm lĩnh tri thức làm sao để giáo viên chỉ là người tổ chức, điều khiển, hướng dẫn cho học sinh chủ động chiếm lĩnh tri thức. Muốn vậy theo tôi khâu quan trọng là định hướng soạn bài và hệ thống câu hỏi tổ chức dạy học như thế nào? Câu hỏi hợp lí, lô gích không làm phá vỡ tính chỉnh thể, thống nhất của bài học; cần tập trung vào trọng tâm, tránh nặng nề, quá tải (nhất là với bài dài, bài khó, bài nhiều đơn vị kiến thức mới); Chú trọng đến bồi dưỡng năng lực suy nghĩ, vận dụng sáng tạo kiến thức đã học, tránh thiên về ghi nhớ máy móc, không nắm vững bản chất vấn đề của học sinh. Câu hỏi cần rõ ràng, cụ thể, có sức khái quát cao và có sự phân hóa cho từng đối tượng học sinh (tái hiện, nhận diện cho học sinh yếu và trung bình, phát hiện, phân tích cho học sinh khá, và khái quát, đánh giá cho học sinh giỏi) để giờ học thực sự hấp dẫn sinh đông, cuốn hút.

    Thứ ba là việc thực hiện giờ dạy trên lớp. Cốt lõi của đổi mới dạy học là phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh trong chiếm lĩnh tri thức mà đổi mới phương pháp dạy học sẽ là khâu đột phá. Để thực hiện được điều đó giáo viện cần tổ chức hoạt động học đa dạng cho học sinh, thực hiện linh hoạt các khâu lên lớp từ kiểm tra bài cũ, dạy học kiến thức mới, ôn luyện, củng cố, nâng cao kiến thức đã học, đến việc kiểm tra, đánh giá bước đầu việc nắm kiến thức của học sinh ngay trên lớp. Để giờ dạy có hiệu quả giáo viên nên chú ý đến sự kết hợp các phương pháp dạy – học đa dạng như đàm thoại – gợi mở; dạy học phát hiện và giải quyết vấn đề, đóng vai, dạy học tương tác, có thể nhóm theo bàn, theo dãy bàn, theo tổ, …giờ dạy sẽ sinh động, hấp dẫn, tránh nhàm chán. Giáo viên cũng cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học coi đó là công cụ hỗ trợ tích cực cho hoạt động dạy học có hiệu quả không nên lạm dụng công nghệ thông tin biến nó thành phương tiện dạy học chính yếu,…

    Để giờ dạy hấp dẫn giáo viên cần sử dụng ngôn ngữ chuẩn xác, trong sáng, sinh động, ngắn gọn, dễ hiểu, tác phong thân thiện, gần gũi, coi trọng việc khuyến khích, động viên học sinh học tập, tạo hứng thú thực sự cho các em bởi vì thầy cô giáo không đơn thuần là người nhồi nhét kiến thức cho học sinh mà đó là công việc của người khơi dậy ngọn lửa tâm hồn.

    Giáo viên cũng cần chú ý đến việc dạy học sát đối tượng trong đó coi trọng bồi dưỡng học sinh khá – giỏi và giúp đỡ học sinh yếu – kém trong từng tiết dạy.

    Thứ tư là người giáo viên cần chú ý đến việc kiểm tra đánh giá. Nếu chỉ đổi mới chương trình, sách giáo khoa, đổi mới phương pháp mà không đổi mới kiểm tra, đánh giá thì đổi mới sẽ không hiệu quả thậm chí là chúng ta chưa đổi mới gì cả. Đổi mới thể hiện ở khâu ra đề kiểm tra đánh giá, hình thức kiểm tra đánh giá. GV nên chú trọng đến câu hỏi mở, có thể phát huy tối đa khả năng tư duy, liên tưởng, sáng tạo của học sinh. Khi đánh giá không chỉ thầy đánh giá trò mà còn là trò đánh giá trò, trò đánh giá thầy...

Ngoài ra Gv không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ qua hình thức tự học, tích cực dự giờ đồng nghiệp, tích cực tham dự các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.

 Nhưng hơn hết theo tôi để việc dạy học của giáo viên thành công người thầy cần có cái “Tâm” với nghề bởi người thầy mà thiếu chữ “Tâm” thì không thể giáo dục người khác được. Chữ “Tâm” sẽ quyết định nhân cách người thầy và cũng chỉ bằng nhân cách người thầy tác động vào nhân cách người học mới là bản chất của quá trình giáo dục. Hơn nữa mỗi giáo viên phải là ngọn lửa bởi nếu bạn không là ngọn lửa thì làm sao bạn truyền ngọn lửa ấy đến cho học sinh.

Công tác chuyên môn của giáo viên đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dạy học và phát triển giáo dục. Mỗi giáo viên cần không ngừng học hỏi, đổi mới và sáng tạo để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội và học sinh. Bên cạnh đó, nhà trường cũng cần tạo điều kiện thuận lợi để giáo viên có cơ hội phát triển và hoàn thiện chuyên môn của mình.

Trên đây là bài tham luận của tôi về một số biện pháp nâng cao chất lượng chyên môn

Kính mong được sự góp ý của hội nghị để bản tham luận của tôi được hoàn thiện hơn.

Cuối cùng xin chúc sức khỏe các đồng chí, chúc hội nghị thành công rực rỡ.

Xin trân trọng cảm ơn!

Cô giáo: Đàm Thị Hồng Hảo

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Văn bản
Video Clip
Liên kết website