• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRƯỜNG THPT MINH CHÂU
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

GIÁO DỤC HÀNH VI TIÊU DÙNG CÓ VĂN HÓA CHO HỌC SINH TRƯỜNG THPT MINH CHÂU THÔNG QUA GIẢNG DẠY BÀI “VĂN HÓA TIÊU DÙNG” MÔN GDKT & PL LỚP 11

GIÁO DỤC HÀNH VI TIÊU DÙNG CÓ VĂN HÓA CHO HỌC SINH TRƯỜNG THPT MINH CHÂU THÔNG QUA GIẢNG DẠY BÀI “VĂN HÓA TIÊU DÙNG” MÔN GDKT & PL LỚP 11

Văn hóa tiêu dùng là một bộ phận của văn hóa dân tộc. Đó là các nét đẹp về hành vi, tập quán tiêu dùng của cộng đồng, dân tộc. Văn hóa tiêu dùng thể hiện giá trị văn hóa của con người trong tiêu dùng.

Cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, những thói quen, tập quán tiêu dùng của người dân cũng có nhiều thay đổi, nhất là ở giới trẻ. Nâng cao nhận thức và thay đổi thói quen tiêu dùng cho các em học sinh, hướng tới hành vi tiêu dùng có văn hóa là việc làm cần thiết. Do đó, trong quá trình giảng dạy bài 8: “Văn hóa tiêu dùng” môn GDKT & PL lớp 11, giáo viên đã chú trọng giáo dục việc tiêu dùng có văn hóa cho các em học sinh tại các lớp giảng dạy.

Bên cạnh việc trang bị các kiến thức cơ bản của bài học, giúp các em hiểu được thế nào là văn hóa tiêu dùng; các đặc điểm trong văn hóa tiêu dùng Việt Nam và biện pháp xây dựng văn hóa tiêu dùng thì việc hình thành các kỹ năng, chuẩn mực hành vi trong tiêu dùng là mục tiêu quan trọng của bài học.

Để thực hiện được mục tiêu bài học đề ra, giáo viên đã kết hợp sử dụng các phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực như đóng vai, giải quyết tình huống, thảo luận nhóm. Trên cơ sở đó, học sinh được giải quyết tình huống thực tế phù hợp với tâm lý lứa tuổi bản thân trong quá trình thực hành tiêu dùng. Riêng nội dung luyện tập, củng cố bài, giáo viên cho các em thi hùng biện trước lớp về việc xây dựng thói quen tiêu dùng có văn hóa trong học sinh phổ thông.

                    Học sinh hùng biện về các biện pháp xây dựng văn hóa tiêu dùng

Rất nhiều các biện pháp nhằm xây dựng hành vi tiêu dùng có văn hóa cho học sinh trường THPT Minh Châu được các em đưa ra trong bài thuyết trình của mình. Sau đây, xin được tổng kết một số biện pháp.

Một là, xây dựng kế hoạch chi tiêu hợp lý, phù hợp với điều kiện của bản thân và gia đình.

Việc lập kế hoạch chi tiêu là cần thiết đối với mỗi cá nhân. Tiêu dùng cái gì? Tiêu dùng như thế nào sao cho tiết kiệm, tránh lãng phí? Điều này sẽ giúp mỗi người hình thành đức tính cần kiệm, có tích lũy cho bản thân và gia đình. Chi tiêu thận trọng, tiết giảm các chi phí không cần thiết, cân nhắc kỹ nguồn gốc xuất xứ khi chọn mua sản phẩm.

Hai là, thực hiện tiêu dùng thông minh, tiêu dùng xanh, tiêu dùng sạch.

Với sự phát triển của sản xuất hàng hóa, các sản phẩm ngày càng đa dạng, phong phú và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Do đó, người tiêu dùng cũng phải có hiểu biết đầy đủ về các sản phẩm để lựa chọn các nhãn hàng tốt, phù hợp tránh lãng phí, đồng thời xem xét các mặt hàng thay thế nếu cần. Một người tiêu dùng thông minh cũng cần có trách nhiệm, biết bảo vệ môi trường trong quá trình tiêu dùng. Hạn chế sử dụng túi nilon, thay thế vật liệu nhựa bằng vật liệu thân thiện, dùng túi sinh học tự phân hủy, túi giấy.

 

 

Ba là, lan tỏa thông điệp tới mọi người nhằm chuyển đổi nhận thức về tiêu dùng bền vững.

Hiện nay nhiều học sinh có thói quen tiêu dùng không hợp lý như mua quá nhiều hàng hóa, dịch vụ trong khi không có nhu cầu sử dụng. Hay như tâm lý sính hàng ngoại, đồ cao cấp để thể hiện đẳng cấp. Tiêu thụ quá nhiều đồ ăn nhanh không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Vì vậy, tuyên truyền tới giới trẻ, học sinh về tiêu dùng bền vững là vô cùng cần thiết. Giúp các em biết lựa chọn sản phẩm phù hợp, đảm bảo sức khỏe, phù hợp với khả năng chi tiêu của bản thân cũng như góp phần bảo vệ môi trường.

Sử dụng các loại túi thân thiện với môi trường

                   Học sinh trải nghiệm về kinh doanh- tiêu dùng khi tham gia Hội chợ tại nhà trường

Bên cạnh đó, việc tích cực quảng bá sản phẩm của người Việt đến bạn bè quốc tế cũng như giới thiệu văn hóa tiêu dùng Việt cũng góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống, văn hóa tốt đẹp từ ngàn đời nay của dân tộc ta.

Tóm lại, trong xã hội hiện đại ngày nay với những thay đổi trong văn hóa tiêu dùng thì giáo dục các em học sinh biết tiêu dùng có kế hoạch, có trách nhiệm, tiêu dùng bền vững, thông minh, biết kế thừa các giá trị văn hóa tiêu dùng truyền thống đồng thời hướng đến các giá trị mới đóng vai trò quan trọng. Bởi nó không chỉ góp phần phát triển nền kinh tế mà còn góp phần xây dựng giá trị văn hóa con người./

Cô giáo: Trịnh Thị Hiên

 

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Văn bản
Video Clip
Liên kết website