ÁP LỰC HỌC TẬP
Sống trong thời bình cùng những điều kiện đầy đủ để phát triển của nền kinh tế vững chắc, đời sống tinh thần trong xã hội đang dần được chú trọng. Tuy nhiên điều kiện càng tốt, con người ta lại phải đối mặt với những kì vọng càng cao và học sinh luôn phải đối mặt với những kì thi quan trọng. Mỗi học sinh chúng ta đều gặp phải vấn đề chung đó là áp lực thi cử.
ÁP LỰC HỌC TẬP
Sống trong thời bình cùng những điều kiện đầy đủ để phát triển của nền kinh tế vững chắc, đời sống tinh thần trong xã hội đang dần được chú trọng. Tuy nhiên điều kiện càng tốt, con người ta lại phải đối mặt với những kì vọng càng cao và học sinh luôn phải đối mặt với những kì thi quan trọng. Mỗi học sinh chúng ta đều gặp phải vấn đề chung đó là áp lực thi cử.
Ta có thể hiểu áp lực thi cử là sự căng thẳng hoặc tạo ra một loạt áp lực tinh thần do nhiều yếu tố có thể làm tăng sự lo lắng trong quá trình học tập. Giai đoạn nào cũng có những áp lực nhưng dễ thấy nhất là ở lứa tuổi vị thành niên. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến vấn đề này. Đầu tiên vấn đề ấy bắt nguồn từ chính chúng ta- những học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường đang tự tạo áp lực cho bản thân nhằm muốn mình cố gắng hơn nữa. Nhưng dần dần những áp lực ấy lớn lên tạo thành một hố đen tâm lý ta không thể vượt qua. Có những bạn quá gắng gượng đến nỗi ám ảnh chỉ cần nhìn thấy tập đề cương là đã bật khóc nức nở. Điểm số cũng là một phần khiến các bạn học sinh cảm thấy áp lực. Khi nhìn thấy bạn bè được điểm cao, bỗng dưng ta sẽ cảm thấy bản thân yếu kém, suy nghĩ tiêu cực tăng lên. Áp lực học tập cũng đến từ chính gia đình, cha mẹ quá kì vọng vượt quá khả năng của con cái đến khi chúng không thể thực hiện những kì vọng ấy lại buông những lời làm tổn thương con của mình ,…
Câu nói “ áp lực tạo ra kim cương” là không sai và bản thân mỗi cá nhân phải luôn tự mình nỗ lực, cố gắng hết sức để đạt được kết quả cao nhất trong mọi công việc. Nhưng nếu áp lực quá lớn đôi khi có thể không đem lại hiệu quả như ý.
Là một học sinh cuối cấp em tự nhận thấy những áp lực mà học tập mang lại. Nó khiến cho bản thân em vô cùng mệt mỏi, dễ nổi nóng với những người xung quanh và dần mất đi năng lượng trong mọi việc. Những năm gần đây đã có rất nhiều những vụ việc học sinh tự tử, hầu hết những vụ việc như vậy một phần lớn là đến từ áp lực học tập. Mới đây nhất là nam sinh có tên L.N.N.M (SN 2006) học chuyên tại trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam. Theo những dòng chữ cuối cùng nam sinh để lại, cậu đã chịu nhiều áp lực từ việc học tập cũng như không nhận được sự động viên, cảm thông đúng mực từ phía bố mẹ. Nhiều hôm cậu đã phải học tới tận 3 -4 giờ sáng. Có người cho rằng cách hành xử vậy ấu trĩ và nông nổi nhưng khi là học sinh ở trong lứa tuổi đó, không có ai để họ có thể chia sẻ những áp lực thì những suy nghĩ vậy là điều dễ thấy.
Vậy cần làm gì để giảm tình trạng áp lực ở lứa tuổi học sinh? Mỗi học sinh chúng ta cần xây dựng và quản lí thời gian học tập, lập cho mình một thời gian biểu, chia nhỏ những công việc cần phải làm khiến chúng dễ hoàn thành hơn. Dành thời gian để thư giãn và cân bằng cảm xúc bên trong, thử tìm cho mình một môn thể thao hay thú vui lành mạnh để giải tỏa sau mỗi giờ học căng thẳng, “học mà chơi chơi mà học ’’... Gia đình và nhà trường cũng cần quan tâm, giúp đỡ để học sinh có một môi trường học tập thoải mái, hứng thú, không đặt quá nhiều kì vọng cho học sinh sẽ gây nên áp lực hay sự tự ti về bản thân trong các em …
Mong rằng mỗi bạn học sinh sẽ biết chọn cho mình một phương pháp học tập khoa học, đặt ra mục tiêu và nỗ lực tìm kiếm giải pháp, hành động để thực hiện mục tiêu của mình, hãy đặt việc học là việc quan trọng nhất bởi nó là con đường dẫn đến tương lai của bạn sau này và bạn học cho chính mình chứ không phải học cho ai khác. Vì vậy, đừng coi việc học tập hay thi cử là áp lực mà coi đó là thử thách trên đường đi đến thành công. Chúc các bạn thành công trên con đường mình đã chọn. Chúc cho tất cả các bạn học sinh khối 12 năm học 2023-2024 trường THPT Minh Châu sẽ đạt kết quả cao nhất trong những kì thi sắp tới. Tôi tin chúng ta sẽ vượt qua .
Phạm Thị Như Ngọc lớp 12H