• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRƯỜNG THPT MINH CHÂU
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

KINH NGHIỆM HỌC Ở TRƯỜNG THPT

Quá trình học tập tại trường phổ thông là giai đoạn quan trọng nhất của các bạn học sinh, đây là bước ngoặt quyết định con đường sự nghiệp và định hướng phát triển trong tương lai của mình. Không phải bạn nào cũng xác định được hoặc có những chuẩn bị tốt để có thể dễ dàng nắm bắt kiến thức và cảm thấy đạt hiệu quả đối với các môn học ở trường thpt.

Sau đây, tôi xin chia sẻ kinh nghiệm cũng như phương pháp để học tốt một số môn học tại trường phổ thông:

1.Môn toán

 

Từ trước đến nay vẫn là sự quan tâm của nhiều người, từ các bậc phụ huynh đến các bạn học sinh. Nhưng thực chất đây không phải là một môn học khó. Muốn học tốt chúng ta cần phải có một nền tảng kiến thức lý thuyết thật chắc, phải nắm chắc các định lý, các tính chất. Bạn cũng cần phải chăm chỉ và tự giác một chút, tốt nhất trước mỗi buổi học hãy tự đọc và hiểu những vấn đề bạn có thể nhận ra được sau khi nghiên cứu, còn những vấn đề không tự hiểu được mình hãy tự đánh dấu lại để hôm sau nghe giảng kĩ hơn hoặc hỏi thầy, cô giáo của mình. Trên lớp nên nghe giảng và ghi bài đầy đủ , nếu không hiểu chỗ nào lập tức hỏi ngay để được giải thích rõ. Về nhà, bạn nên xem lại và tông kết các vấn đề một lần nữa.

Hãy chú ý hiểu và tự làm hết các bài tập ở sách giáo khoa và sách bài tập. Sở dĩ khuyên bạn nên học theo sách bài tập là vì trong sách có hướng dẫn và đáp số sẵn. Khi làm xong có thể đối chiếu ngay cách làm và kết quả để đánh giá khả năng làm bài của mình. Nếu khó hiểu và bí quá thì có thể nhờ bạn bè, thầy cô giảng giúp. Đây là môn học lô gic, nếu không có nền tảng cơ bản bạn sẽ bị hổng kiến thức rất nhanh mà mình không ngờ tới đấy. Đây cũng là nguyên nhân làm mất điểm oan của đa số các bạn học giỏi mà chủ quan do không nghĩ bài có thể dễ như vậy, các bạn ấy cứ liên tưởng tới cách giải cao siêu lắm. Bạn nên học theo từng dạng bài, tìm ra nhiều phương hướng để giải quyết,luyện tập thật nhiều. Hiểu rõ bản chất và cách tư duy làm thế nào để ra các công thức đó. Đơn giản đó là phải đọc và hiểu về bài toán đó một cách thực sự cũng như biết cách vận dụng chúng thật nhuần nhuyễn. Từ đó, mọi công thức mà nhiều người phải khó khăn để học thuộc bỗng dưng ăn sâu vào tiềm thức suy nghĩ của mình.

Một điều quan trọng để học tốt môn Toán, bạn cần phải tập cho mình đức tính kiên trì, cẩn trọng trong tính toán. Hãy kiên trì giải một bài toán, chứ đừng thấy nó khó mà không bắt tay vào suy nghĩ và thử giải nó thì không bao giờ bạn tiến bộ được. Các bạn hãy nhớ rằng một bài toán khó là tổ hợp của nhiều bài toán đơn giản. Bằng sự phân tích và óc phán đoán, hãy đưa nó về những dạng bài tập quen thuộc đã gặp.

Bên cạnh việc học tốt bạn còn phải biết cách làm thế nào để đạt được điểm cao và tối đa để xứng đáng với năng lực của mình. Hãy chú ý cách trình bày của một bài toán để đạt điểm tối đa. Làm được điều này bạn cần chú ý cách trình bày của thầy cô, với mỗi dạng mỗi bài tập mới, cần ghi chép lại cách trình bày để tham khảo. Thường xuyên đọc sách, xem bài giải mẫu để lưu ý và rút kinh nghiệm cho mình.

2. Môn lý

Môn vật lý là môn nghiên cứu những hiện tượng xảy ra trong đời sống. Nên chỉ cần hiểu rõ hiện tượng là có thể hiểu và tìm được hướng giải cho bài toán vật lý. Phần còn lại là áp dụng công thức đã học cùng với những dữ kiện của đề bài, thêm một chút tính toán; học sinh có thể giải bài toán lý một cách dễ dàng. Đây cũng là một môn học quan trọng và cần thiết đối với các bạn trung học phổ thông.


Trước hết, cần xây dựng cho chúng ta lòng yêu thích môn học, có yêu thích mới có hứng thú trong học tập. Đây là một trong những yếu tố rất cần thiết để học tốt môn này.Bạn hãy thường xuyên đọc sách Vật lý vui, tham gia các hoạt động liên quan đến Vật lý như tham gia câu lạc bộ Vật lý ở trường, trên Internet,… Luôn đặt câu hỏi “Tại sao?” trước những vấn đề, những tình huống thuộc môn vật lý dù là đơn giản để từ đó khơi gợi tính tò mò, đòi hỏi phải được lý giải – và như vậy dần dần bạn sẽ tìm thấy được những cái hay, cái đẹp của bộ môn này mà yêu thích nó.
Rèn luyện cho chúng ta một trí nhớ tốt vì có như thế chúng ta mới nắm bắt được bài mới ở lớp cũng như các kiến thức đã học trước đó. Rèn luyện như thế nào? Đó là trước khi học bài mới chúng ta nên xem lại các bài học cũ. Như thế sẽ mất nhiều thời gian chăng? Câu trả lời là “Không” vì những bài đó chúng ta đã học, đã biết, đã nhớ nên xem lại sẽ rất nhanh. Khi được tái hiện lần nữa, ta sẽ nhớ được lâu hơn, chắc hơn. Thực tế đã cho thấy, trong quá trình làm bài thi trắc nghiệm, chỉ cần ta quên (hoặc không hiểu) một thuật ngữ nào đó thôi là mất điểm ngay.
Luôn tìm tòi mở rộng kiến thức. Chương trình trong sách giáo khoa vốn là kiến thức chuẩn, căn bản nhưng không thể giải thích cặn kẽ hết mọi vấn đề vì thời lượng chương trình không cho phép. Cho nên, để hiểu rõ và nắm chắc kiến thức trong sách giáo khoa chúng ta cũng cần tìm đọc thêm sách tham khảo (chứ không phải là sách giải bài tập). Đồng thời, nên làm bài tập thật nhiều, bắt đầu từ những bài đơn giản rồi đến những bài tập khó…Việc làm bài tập nhiều sẽ giúp ta rèn luyện tư duy nhanh, tích luỹ thêm kiến thức bổ sung cho lý thuyết; đọc thêm nhiều sách chúng ta mới nắm chắc và hiểu đúng, sâu sắc hơn những kiến thức trong sách giáo khoa.

Trình tự làm một bài toán vật lý là:

  1. Đọc để hiểu đề muốn tìm những đại lượng nào.
  2. Tóm tắt đề bài: ghi ra những đại lượng cần thiết cho việc tìm ra đại lượng mà đề bài yêu cầu.
  3. Đổi đơn vị nếu cần (học sinh thường không để ý hay quên làm bước này).
  4. Vẽ hình minh họa (nếu hiện tượng có nhiều vật tham gia hay có nhiều trường hợp).
  5. Suy nghĩ những công thức nào có thể dùng để giải.
  6. Tìm ra đại lượng cần tìm sau khi biến đổi và kết hợp các công thức (chưa vội thế số).
  7. Thế số để tìm ra kết quả cuối cùng.
  8. Để ý đơn vị của kết quả có phù hợp thực tế không.

3. Môn hóa

Hóa học ở chương trình trường phổ thông có hai phần chính: hóa vô cơ và hóa hữu cơ. Cần nắm định nghĩa, khái niệm, quan trọng hơn là phải hiểu được bản chất của vấn đề, biết cách vận dụng được các khái niệm – định luật trên.


Các tính chất: Phải nắm được các yếu tố tên gọi, lý tính, cấu tạo, hóa tính, phương pháp điều chế và ứng dụng của các chất

Các bài tập áp dụng: Để làm tốt phần này, học sinh cần nắm vững hóa tính, điều chế, kết hợp với cấu tạo, lí tính, chú ý các hiện tượng hóa học xảy ra. Viết phương trình phản ứng : phải nắm vững phần hóa tính các chất, suy nghĩ xem loại hợp chất đó có thể tác dụng được với những tác chất nào ? ( Chuỗi phản ứng : Nắm vững cả hóa tính và điều chế, mối quan hệ giữa các chất, sự thay đổi mạch cacbon,…kết hợp với điều kiện phản ứng để suy luận tìm công thức các chất (đối với dạng khó), nhớ cân bằng và ghi rõ điều kiện nếu có. Nhận diện hóa chất : nắm được thuốc thử cần dùng, dấu hiệu, và viết phương trình phản ứng kèm dấu hiệu. Giải thích hiện tượng, chứng minh : viết được phản ứng xảy ra ở từng giai đoạn, chú ý sự tạo kết tủa – bay hơi hay sự thay đổi màu sắc, mùi

4. Tiếng Anh

 

Về cơ bản, chính sự thiếu động lực đã khiến người ta không muốn dành thời gian cho việc học Tiếng Anh và nếu có cũng không thường xuyên. Ví dụ như một người có thể học các cụm động từ trong 12 tiếng đồng hồ trước kỳ thi Tiếng Anh. Tuy nhiên, anh ta sẽ chẳng buồn bỏ ra 30 phút mỗi ngày để đọc sách Tiếng Anh. Vì không cảm thấy hứng thú với việc học Tiếng Anh nên anh ta sẽ chỉ học trong những tình huống bắt buộc mà thôi. Vấn đề là ở chỗ các nỗ lực nhất thời không mang đến kết quả như bạn mong đợi trong khi những hoạt động nhỏ hằng ngày sẽ mang lại hiệu quả rất cao.

Nếu bạn xem một đoạn phim vui nhộn trên Internet, đọc các bài báo về ban nhạc yêu thích hay trò chuyện với những người bạn thú vị trên một diễn đàn bằng Tiếng Anh, chúng sẽ mang đến cho bạn nhiều niềm vui. Khi nghĩ đến “Tiếng Anh”, bạn không còn liên tưởng đến các lớp học nhàm chán, những quy tắc ngữ pháp rắc rối và một danh sách dài dằng dặc những từ cần thuộc lòng. Thay vào đó, bạn sẽ nghĩ tới một chương trình truyền hình vui nhộn, ban nhạc và những người bạn mà mình yêu mến. Trong đầu bạn lúc này, Tiếng Anh sẽ không còn là môn học đáng ghét ở trường nữa mà chính là nguồn vui của bạn mỗi ngày.

5. Văn học


Muốn giỏi Văn trước tiên phải ham đọc sách vì chỉ có đọc nhiều sách ta mới biết được nhiều dẫn chứng, biết được những câu châm ngôn hay mà vận dụng vào bài văn hay khám phá được những nền văn học cổ… Tuy nhiên, sau mỗi tác phẩm hay mỗi cuốn sách chúng ta phải ngẫm nghĩ những vấn đề mà cuốn sách tích lũy.
Đọc nhiều sách tham khảo giúp ta có thêm nhiều tư liệu nhưng phải biết chọn lựa đâu là cuốn sách hay để học hỏi. Hiện nay có rất nhiều sách lậu viết sai nên teen cần cân nhắc kĩ trước khi mua. Teen hãy nghĩ rằng đọc sách chính là học hỏi những kinh nghiệm của người khác chứ không phải copy nguyên bài của họ mà bỏ vào bài của mình.
Học giỏi Văn quan trọng là phải viết thật nhiều, viết theo cảm xúc, theo cảm nhận, phân tích, bình luận những mặt đúng mặt sai…Văn là sáng tạo một cách trung thực chứ không phải là gian lận hay bắt chước. Hơn nữa để có được một bài văn hoàn chỉnh thì chúng ta phải đáp ứng đầy đủ các ý, phải có luận điểm rõ ràng, không được viết theo cảm xúc tràn lan mà chúng ta phải viết theo trình tự và phải cảm nhận, thấu hiểu tác phẩm thì mới có những bài viết hay.

6. Địa lý

Địa lí là một môn học ở trường phổ thông nghiên cứu về các vấn đề tự nhiên và xã hội vì vậy các bạn phải đọc sách nhiều nghe nhiều và tích lũy nhiều.
 

Cấu trúc hình xương cá: Để có thể nắm được những kiến thức cơ bản của môn Địa thì trước hết các bạn cần nắm được một sơ đồ cấu trúc dạng xương cá. Chúng ta có ba phần chính là: Địa lý tự nhiên và dân cư; Địa lý các ngành kinh tế và Địa lý vùng kinh tế. Trong mỗi phần này lại chia ra từng bài, trong từng bài lại có từng ý lớn. Như vậy, sau khi đã có được khung của toàn chương trình, các bạn đã có được một hình dung về những nội dung cơ bản mà mình cần ôn tập để “đắp thịt” vào.

Sử dụng Atlat: các bạn có thể sử dụng Atlat như một nguồn số liệu (thay vì phải nhớ rất nhiều số liệu từ sách giáo khao). Ví dụ, số liệu về dân số Việt Nam qua các năm hay tên của các đô thị, các trung tâm công nghiệp, các bãi biển trên cả nước.

Nhận dạng đúng biểu đồ: trong yêu cầu vẽ biểu đồ (ý thứ nhất) thường đã có gợi mở về dạng biểu đồ. Nếu có từ “thể hiện cơ cấu” thì các bạn nên nghĩ tới biểu đồ tròn và biểu đồ miền (dưới ba năm là biểu đồ tròn, trên ba năm là biểu đồ miền). Nếu có từ “diễn biến” hay “tốc độ tăng trưởng” thì các bạn nên nghĩ đến biểu đồ đường. Để có thể đạt điểm tuyệt đối trong bài thực hành vẽ biểu đồ, các bạn cần bảo đảm đầy đủ các yếu tố như: tên đơn vị trên trục tung (nghìn người, nghìn ha…); bảng chú thích; tên biểu đồ (Biểu đồ thể hiện….).

7. Lịch sử

Lịch sử là một môn học thuộc ngành khoa học xã hội và nhân văn. Đây là một môn học rất quan trọng nhằm cung cấp cho người học những hiểu biết về lịch sử dân tộc và các nước trên thế giới, hình thành nhân sinh quan và thế giới quan đúng đắn. Qủa thật không có môn học nào có ưu thế hơn môn Lịch sử về giáo dục nhân cách cho con người.

 

Học sử, điều khó là nhớ ngày, tháng của các sự kiện. Hãy gắn những ngày tháng đó với những kỷ niệm, dấu mốc quan trọng trong cuộc đời mình hoặc của người thân như sinh nhật, ngày giỗ… hệ thống lại xem trong năm mình đang sống sẽ kỷ niệm những ngày lễ gì, lúc nào. Làm như vậy sẽ nhớ rất lâu. không nên quá để tâm tới những con số chi tiết như bao nhiêu người tham gia chiến đấu, số người chết, bom, đạn… chỉ cần biết được tầm quan trọng của các chiến dịch và nhớ những con số đại khái chứ không cần chi tiết.
Để làm tốt một bài làm môn sử cũng giống như việc giải một bài toán. “Biết cách sắp xếp sự kiện và xâu chuỗi sự kiện rồi từ đó mới phân tích những nguyên nhân và hệ quả”. Chính vì thế, cần ghi nhớ kỹ những mốc sự kiện lớn của các giai đoạn lịch sử.

Để biết được những phương pháp học tập hiệu quả, hãy điền vào form bên dưới và tham gia hội thảo cùng chúng tôi.

   Nội dung tin đang cập nhật...

 

(6/7/2017 4:21:27 PM)


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Văn bản
Video Clip
Liên kết website