Nghề dạy học
Nghề dạy học
Jesse PetersonTôi đã không hình dung được rằng nghề dạy học ở Việt Nam khó khăn đến vậy.
Tôi quen "người mẹ Việt Nam", cô Trinh, hồi mới đến Việt Nam. Cô Trinh mời tôi dạy tiếng Anh ở một số trường tại TP HCM, năm 2009. Lớp quá nhiều học sinh, có lớp gần 60 em. Không tài liệu giảng dạy, sách giáo khoa lỗi thời, phòng học thì nóng và học sinh gặp khó khăn khi trao đổi.
Tôi không làm việc ở đó lâu được. Tôi nghĩ rằng giáo viên ở đây thật sự rất bản lĩnh, hy sinh cả cuộc đời chịu khổ để dạy cho các em từng con chữ, một công việc cao quý vô cùng. Cô Trinh đến giờ vẫn còn gắn bó với giảng đường của mình, tuy khó nhưng cô không bỏ cuộc. Có lần cô nói với tôi: "Cô không coi chúng là học sinh, mà là những đứa con của cô". Tôi ngưỡng mộ sự hy sinh của những người như cô lắm.
Với tôi, giáo viên Việt Nam là những anh hùng. Rõ ràng mình nên hậu đãi họ như những người tận tâm và chuyên nghiệp. Đầu tư vào giáo viên cũng chính là đầu tư vào tương lai của Việt Nam, đem sự thoải mái để đổi lấy nỗ lực của họ. Có một khoản lương tốt, họ sẽ không cần phải làm thêm giờ, hay nhận tiền hối lộ để nâng điểm cho bất kỳ học sinh nào, đầu óc chỉ tập trung vào sự sáng tạo khi giảng dạy tại trường. Trung bình, bộ óc của chúng ta chỉ có được tối đa ba tiếng sáng tạo mỗi ngày.
Sau thời gian dạy cùng cô Trinh, tôi mở một câu lạc bộ dạy học viên những kỹ năng cần thiết để học tốt, một thí nghiệm nhỏ của tôi. Tôi dạy các bạn trẻ những kỹ năng liên quan đến thảo luận và tranh luận trong một nhóm, dựa vào phương pháp "The Harkness". "The Harkness" là phương pháp giảng dạy và học tập bằng cách cho học sinh ngồi thành hình bầu dục lớn, thảo luận các ý tưởng trong không khí cởi mở nhất. Giáo viên chỉ quan sát, thi thoảng khuyến khích, động viên học sinh đưa ra ý tưởng riêng của họ, tự thuyết phục và trao đổi với nhau. Cả nhóm sẽ phải đảm bảo rằng tất cả thành viên đều tham gia vào cuộc trò chuyện như nhau.
Đây là cách để mỗi thành viên đều có thể suy nghĩ cùng nhau, "trôi" với nhau. Harkness được sử dụng nhiều ở trường học tại Mỹ. Nhà trường can đảm trao trách nhiệm cho học sinh, để thế hệ trẻ biết cách tự chịu trách nhiệm về con đường học vấn của chúng. Nhờ đó các em độc lập hơn, biết nói chuyện một cách bình đẳng. Học sinh có thể tự quản được lớp học của họ.
Trong nhóm học sinh của tôi, có một cậu bé không thể nói chuyện với bất kỳ ai. Thật không may là những người khác đã không khuyến khích em ấy thảo luận cùng cả nhóm. Tôi có thể tưởng tượng em sẽ như thế nào trong mô hình lớp học vuông truyền thống của Việt Nam, ngồi một góc thật sâu cuối lớp, tránh ánh mắt của các thầy cô, nhiều năm liền. Tất nhiên sau một thời gian dài trốn tránh các bài học, em không có khả năng tự suy nghĩ hoặc đóng góp ý kiến cho một cuộc thảo luận nhóm.
Ở nhiều lớp học tại Việt Nam, yêu cầu bàn tròn gồm 60 học sinh, sinh viên là phi thực tế. Do vậy, việc tập trung giao trách nhiệm cho chính học sinh, hướng dẫn họ cách quản lý theo nhóm nhỏ hợp lý hơn. Giáo viên đứng sang một bên tin tưởng và dõi theo sự tiến bộ của họ. Mô hình lớp học vuông ở Việt Nam, với số lượng học sinh hiện tại, đang đứng trước nguy cơ trở nên lỗi thời. Nó hoàn toàn không hỗ trợ sự đóng góp bình đẳng các ý tưởng và sự phát triển khả năng của các cá nhân. Những người ngồi phía trước, gần gũi với giáo viên hơn, sẽ nhận được nhiều thông tin hơn, còn những người ngồi phía sau tiếp tục trì trệ.
Đó là một lý do làm cho xã hội Việt Nam dường như thiếu mất văn hóa tranh luận và thảo luận hiệu quả, đúng mực. Tôi thấy nhiều người nhanh chóng huỷ bỏ, chê bai một ý tưởng trước khi kịp suy nghĩ sâu sắc về nó. Họ chưa nghe hết câu đã vội vàng nói: "Không", thậm chí đưa ra đánh giá vội vàng. Những ý tưởng hay và nghiêm túc như làm sao để tạo ra một con tàu không gian bay vào vũ trụ, cách kìm chế dịch bệnh thế kỷ, hay làm thế nào để giải quyết những vấn đề tồn tại triền miên trong xã hội. Câu trả lời chỉ có được khi chúng ta cùng ‘trôi’ với nhau, cùng trao đổi, tranh luận bằng thiện chí và tận tình.
Rất khó để giáo viên Việt Nam cảm thấy tự do sáng tạo dạy học trong môi trường học đường hiện nay vì có quá nhiều quy định từ cấp trên. Nhưng nếu không phải họ thì ai? Chỉ giáo viên là người hiểu rõ học sinh của mình nhất. Và họ nên được là người chủ động trong việc thiết kế lớp học, cách dạy và học cho chính những "đứa con" của mình. Bởi khi bị kiểm soát quá sát sao, đặc biệt là các đánh giá tiêu chuẩn xếp hạng giáo viên, các buổi dự giờ, nó làm các giáo viên áp lực và chỉ tập trung vào các con số vô vị, cốt sao đầu tiên là giữ được việc làm.
Các trường học có thể phát triển giáo trình của riêng mình, tập trung vào các kỹ năng giải quyết vấn đề sáng tạo nhất, cách làm việc nhóm, làm quen với tư duy phê phán và kỹ năng giao tiếp. Hãy cho những người trẻ một lý do để học tập thay vì đe doạ điểm kém.
Một người bạn năm ngoái bay từ Mỹ về Việt Nam thăm tôi. Ông bảo bây giờ công ty Mỹ đã có robot bay trên không giao hàng, Google có xe tự động lái. Một tương lai không xa, robot sẽ thay thế hết các công việc lao động tay chân, con người chỉ còn lại các công việc sáng tạo. Chính vì vậy, sáng tạo ở các trường học quyết định tương lai của tất cả chúng ta.
Jess Peterson
(Nguyên tác tiếng Việt)