• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRƯỜNG THPT MINH CHÂU
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CHẤT LƯỢNG GIẢNG DẠY MÔN ĐỊA LÍ Ở TRƯỜNG THPT

GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CHẤT LƯỢNG GIẢNG DẠY MÔN ĐỊA LÍ  Ở TRƯỜNG THPT

Trong bối cảnh hiện nay toàn ngành giáo dục đang nỗ lực thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo của học sinh. Định hướng đó đã được pháp chế trong luật giáo dục “Phương pháp giáo dục phổ thông phải phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh, phù hợp với đặc điểm của từng lớp học, môn học, bồi dưỡng phương pháp dạy học, rèn luyện kĩ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, tác động đến tình cảm, đem lại niềm vui hứng thú học tập cho học sinh” Cần chuyển từ “Dạy học lấy giáo viên làm trung tâm” sang “Dạy học lấy học sinh làm trung tâm”, phải tích cực hoá các hoạt động của học sinh, khơi dậy cho các em tính khao khát, tìm tòi, nghiên cứu, cố gắng phát huy trí tuệ và nghị lực cao trong quá trình nắm vững kiến thức. Để thực hiện điều này đòi hỏi mỗi nhà trường, mỗi giáo viên phải có những bước chuyển biến rõ nét trong việc cải tiến phương pháp dạy và học. Cũng như tất cả các môn học khác, môn Địa lí phải góp phần giáo dục và đào tạo những người công dân tương lai, phù hợp với yêu cầu xã hội.

- Trước hết ta phải xác định rõ vai trò của người thầy là hết sức quan trọng. Với vai trò đó, đòi hỏi GV phải thực sự có lý tưởng nghề nghiệp, yêu nghề và nắm vững kiến thức chuyên môn được đào tạo; tích cực, chủ động học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Thường xuyên tìm tòi, bổ sung những tri thức chuyên môn mới ở các nguồn khác nhau nhằm bổ sung bài giảng, cung cấp thêm cho học sinh những tri thức mới, gieo vào tâm hồn các em tình cảm với môn học. Dẫn dắt hướng dẫn, định hướng học sinh biết thu nhận, tìm kiến thức một cách chủ động, tự giác, tích cực. Từ đó, nâng cao ý thức tự giác, tự học, tự khám phá tri thức mới về Địa lí cho học sinh, để các em bộc lộ được năng lực của bản thân.

- Sử dụng hiệu quả các phương pháp dạy học: Trong một giờ học áp dụng nhiều phương pháp để đạt hiệu quả cao nhất, cần phối hợp đồng bộ giữa các phương pháp với nhau để học sinh nắm chắc kiến thức ngay tại lớp, bằng các kiến thức mình tự tìm tòi và cùng nhóm xây dựng lên, chứ không phải là kiến thức mà thầy cô truyền thụ cho mình. GV phải tìm cách khơi dậy và phát huy tính tích cực, chủ động tìm tòi kiến thức của học sinh, qua các bản đồ, hình ảnh, mô hình, tranh ảnh, mẫu vật cụ thể để các em tự xác định được. Làm thế nào để các em tiếp thu bài ngay trên lớp, hiểu sâu về kiến thức đòi hỏi người GV phải thường xuyên đổi mới phương pháp dạy học. Tùy theo nội dung từng bài mà lựa cho phương pháp, kỹ thuật, hình thức dạy học phù hợp. Việc sử dụng các phương pháp dạy học tích cực phải mềm dẻo, linh hoạt nhằm đáp ứng được các mục tiêu, hiệu quả của bài dạy đồng thời phải tăng được tính hấp dẫn của môn học, kích thích được ở các em ý muốn ham hiểu biết, thích khám phá tri thức mới.

- Sử dụng tài liệu học tập: Ngoài SGK, SGV, chuẩn kiến thức kĩ năng GV cần sử dụng thêm nhiều tài liệu tham khảo, tranh ảnh, video, … từ các nguồn khác nhau. Trong quá trình thu thập các tài liệu tham khảo GV cần lựa chọn các thông tin phù hợp với nội dung bài dạy, tránh dông dài, loãng kiến thức.

- Sử dụng các phương tiện dạy học: Các phương tiện dạy học đóng vai trò hỗ trợ giáo viên trong công tác giảng dạy, việc sử dụng thành thạo các phương tiện dạy học là rất cần thiết. Hiện nay trong quá trình giảng dạy môn Địa lí giáo viên cần sử dụng hiệu quả hệ thống máy tính, máy chiếu, bảng thông minh, mạng internet … mà Nhà trường đã trang bị để nâng cao chất lượng dạy học.

- Sử dụng đồ dùng dạy học: Đồ dùng dạy học không thể thiếu trong giảng dạy môn Địa lí là bản đồ, lược đồ, tranh ảnh, mô hình Trái Đất, bảng số liệu, các dụng cụ quan trắc thời tiết, dụng cụ đo vẽ địa hình… đặc biệt bản đồ được sử dụng thường xuyên nhất. Bản thân các đồ dùng dạy học địa lí chứa đựng các kiến thức địa lí, ví dụ bản đồ chứa đựng các nội dung về phương hướng, khoảng cách, vị trí địa lí, đặc điểm, mối quan hệ tương và nhân quả giữa các đối tượng địa lí, … Để sử dụng có hiệu quả các đồ dùng dạy học Địa lí, trong quá trình dạy học giáo viên cần tổ chức, hướng dẫn, tạo điều kiện để HS tìm tòi, khám phá, khai thác và chiếm lĩnh kiến từ các đồ dùng dạy học địa lí. Qua đó HS vừa có được kiến thức, vừa được rèn luyện các kĩ năng địa lí và biết cách vận dụng các kiến thức địa lí vào thực tiễn.

- Lựa chọn, tổ chức các trò chơi học tập địa lí phù hợp với từng bài dạy và đối tượng HS. Thông qua các trò chơi được lựa chọn và tổ chức một cách hợp lí GV có thể truyền tải tri thức mới, củng cố những kiến thức đã học và hình thành kĩ năng địa lí cho HS một cách nhẹ nhàng, sinh động, có hiệu quả.

- Ứng dụng CNTT vào dạy học: Nhờ ứng dụng CNTT vào giảng dạy, giáo viên chủ động hơn trong kế hoạch bài giảng của mình, dễ dàng tìm kiếm các tài nguyên phục vụ bài giảng, tạo mạch liên kết giữa các đơn vị kiến thức tự nhiên, hợp lý hơn. Việc áp dụng công nghệ thông tin vào dạy học còn làm thay đổi phương pháp truyền đạt trong giờ dạy. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học đã giúp học sinh được tiếp cận phương pháp dạy học mới hấp dẫn hơn hẳn phương pháp đọc – chép truyền thống. Ngoài ra, sự tương tác giữa thầy cô và học trò cũng được cải thiện đáng kể, học sinh có nhiều cơ hội được thể hiện quan điểm cũng như chính kiến riêng của mình. Điều này không chỉ giúp các em ngày càng thêm tự tin mà còn để cho giáo viên hiểu thêm về năng lực, tính cách và mức độ tiếp thu kiến thức của học trò, từ đó có những điều chỉnh phù hợp và khoa học. Hơn thế nữa, việc được tiếp xúc nhiều với công nghệ thông tin trong lớp học còn mang đến cho các em những kỹ năng tin học cần thiết ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Đây sẽ là nền tảng và sự trợ giúp đắc lực giúp học sinh đa dạng và sáng tạo các buổi thuyết trình trước lớp, đồng thời tăng cường khả năng tìm kiếm thông tin cho bài học của các em. Các em sẽ làm quen được với các hình thức tự học như học online, học qua cầu truyền hình. Ngoài ra các phần mềm dành cho giáo dục cũng thật tiện ích, nó giúp chúng ta rút ngắn được thời gian nghiên cứu, biến ý tưởng thành hiện thực, giúp tiếp cận khoa học thật lý thú.

- Dạy học tích hợp – liên môn: Đối với môn Địa lí là môn học nghiên cứu các kiến thức liên quan đến cả tự nhiên và kinh tế xã hội nên trong quá trình học tập đòi hỏi học sinh phải vận dụng kiến thức tổng hợp, liên quan đến nhiều môn học. Vì vậy, dạy học cần phải tăng cường theo hướng tích hợp, liên môn. Trong quá trình dạy học môn Địa lí cần đưa những nội dung giáo dục có liên quan vào bài học như: tích hợp giáo dục đạo đức, lối sống; giáo dục pháp luật; giáo dục chủ quyền quốc gia về biên giới, biển, đảo; giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bảo vệ môi trường, an toàn giao thông... nhằm giúp các em nắm kiến thức sâu hơn, rèn luyện các em về ý thức, kỹ năng, thái độ đúng đắn, giúp hình thành và phát triển các năng lực, phẩm chất cần thiết.

- Đổi mới đánh giá HS: GV phải kết hợp đánh giá định kì, đánh giá thường xuyên với đánh giá quá trình; kết hợp đánh giá kiến thức, kĩ năng với đánh giá năng lực;  kết hợp hình thức tự luận với hình thức trắc nghiệm; kết hợp các hình thức làm bài kiểm tra trên giấy với làm bài kiểm tra trên các ứng dụng, các phần mềm; kết hợp đánh giá của giáo viên với HS và HS đánh giá lẫn nhau và tự đánh giá; đánh giá định lượng và định tính; đánh giá lí thuyết và thực hành; đánh giá trong hoạt động trên lớp và ngoài trời, ngoài thực địa… GV cần có phản hồi kịp thời kết quả kiểm tra đánh giá tới HS để HS điều chỉnh việc học của bản thân.

          Như vậy để nâng cao chất lượng giảng dạy môn Địa lí ở trường Trung học phổ thông cần có đội ngũ giáo viên có kiến thức chuyên sâu, có nghiệp vụ vững vàng, yêu nghề, say mê với nghề; đòi hỏi nhà trường trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, kĩ thuật, phương tiện dạy học phù hợp với đặc thù của bộ môn; Ngoài ra cần có sự yêu thích bộ môn, sự cố gắng học tập của các em học sinh; sự ủng hộ của phụ huynh học sinh.

 

Yên Mỹ, tháng 11 năm 2021

GV: Lê Thị Quyên

 

 


Tác giả: BB
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Văn bản
Video Clip
Liên kết website