• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRƯỜNG THPT MINH CHÂU
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CHẤT LƯỢNG GIẢNG DẠY MÔN GDCD Ở TRƯỜNG THPT

Nâng cao chất lương giảng dạy là mối quan tâm không chỉ của các nhà trường, của riêng người học, người dạy mà còn là của cả xã hội. Là một giáo viên bộ môn GDCD bản thân tôi luôn trăn trở làm thế nào để đem đến cho  học sinh của mình những bài học thực sự có chất lượng, thu hút được sự chú ý và tập trung của người học, hình thành được ở các em những phẩm chất và năng lực cần có.

Để thực hiện được mục tiêu nâng cao chất lượng trong dạy và học cần có rất nhiều yếu tố, theo tôi trong đó phải nói đến vai trò của người thầy.

Người giáo viên giống như người lái đò, chèo lái, định hướng trong hoạt động dạy và học. Bản thân họ phải có sự am hiểu, nắm vững chương trình môn học thì mới có thể thực hiện tốt nhiệm vụ giảng dạy. Muốn vậy, họ cần phải không ngừng nâng cao hiểu biết, thường xuyên cập nhật kiến thức, trau dồi vốn tri thức và phương pháp dạy học của bản thân.

Bên cạnh kiến thức chuyên môn, phong thái và cách tiếp cận người học của giáo viên cũng rất quan trọng góp phần vào chất lượng giảng dạy. Từ trang phục, giọng nói đến cách diễn đạt đi đứng để tạo ra sự nghiêm túc trong quá trình giảng dạy, giúp các em dễ tiếp thu và có niềm tin vào kiến thức được truyền đạt. Việc tương tác giữa  thầy và trò trong lớp học là rất cần thiết. Nếu hoàn toàn chỉ đứng trên bục giảng, người dạy sẽ rất khó thúc đẩy sự tham gia phát biểu ý kiến cũng như kiểm soát được các hoạt động của người học. Việc di chuyển trong lớp học đến gần vị trí của học sinh sẽ giúp các em nghe rõ được bài giảng và làm cho người học thấy mình được quan tâm. Từ đó, các em sẽ có ý thức điều chỉnh thái độ học tập, trở nên tích cực hơn và giảm bớt các hành động ảnh hưởng không tốt đến giờ học như nói chuyện riêng, làm việc riêng.

Có thể nói, môn GDCD là môn học có tính thực tế cao, gắn liền với đời sống, xã hội. Do đó, trong bài giảng của mình giáo viên cần có sự cập nhật thường xuyên các vấn đề kinh tế- xã hội mang tính chất thời. Sử dụng các ví dụ trực quan giúp học sinh hiểu và dễ dàng liên hệ, vận dụng trong thực tế. Điều đó làm cho bài dạy trở nên sinh động dễ hiểu, gần gũi hơn, những kiến thức lý thuyết không còn khô khan, cứng nhắc và khó nhớ.

Trong quá trình giảng dạy, tùy theo từng bài mà giáo viên sử dụng kết hợp, linh hoạt các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học khác nhau. Bên cạnh rất nhiều các phương pháp dạy học tích cực thì các phương pháp hay được sử dụng trong dạy học môn GDCD là phương pháp dạy học hợp tác, giải quyết vấn đề, dạy học khám phá, sử dụng trò chơi, đóng vai . Vì đây là những phương pháp có ưu thế trong việc góp phần hành thành ở học sinh những phẩm chất và năng lực đặc thù của môn học như phẩm chất trung thực, trách nhiệm, nhân ái, năng lực giải quyết vấn đề và sáng taọ, năng lực điều chỉnh hành vi và năng lực phát triển bản thân. Chẳng hạn với dạy học hợp tác, giáo viên chia lớp thành các nhóm để thảo luận về các chủ đề, nội dung bài học. Sau đó các nhóm được yêu cầu trình bày trước lớp kết quả thảo luận của nhóm mình. Các nhóm khác sẽ bổ sung ý kiến và góp ý để hoàn chỉnh và cuối cùng giáo viên đưa ra kết luận, nhận định. Việc được trao đổi, bày tỏ quan điểm, ý kiến sẽ giúp các em cảm thấy không bị áp đặt, không bị thụ động thu nhận kiến thức một chiều, mà ngược lại, học sinh được học hỏi lẫn nhau. Từ đó có thể làm cho các em tự tin hơn, hăng say hơn trong các tiết học. Riêng việc tham gia thực hiện nhiệm vụ, trình bày kết quả thảo luận nhóm, giáo viên cũng cần lưu ý đưa ra bảng tiêu chí đánh giá. Điều này giúp người học có trách nhiệm, tham gia nhiệt tình hơn trong thảo luận, đồng thời rèn luyện cho họ kỹ năng làm việc nhóm trong các công việc chung.

Sử dụng thành thạo một số kĩ thuật trong dạy học môn GDCD cũng giúp bài giảng của giáo viên trở nên hiệu quả hơn. Đặc biệt là kĩ thuật đặt câu hỏi. Câu hỏi gợi mở giúp cho người học tự tìm tòi, phát hiện ra tri thức mới mà không lệ thuộc hoàn toàn vào giáo viên. Từ những câu hỏi, vấn đề được gieo các em sẽ phải động não để tìm câu trả lời. Giáo viên cũng cần khuyến khích các em tự đặt câu hỏi cho các bạn. Khi đặt câu hỏi thì trong đầu người hỏi gần như tự động sẽ có một số phương án trả lời cho riêng mình, mặc dù có thể còn băn khoăn, thắc mắc, chưa chắc chắn phương án nào chính xác nhất. Như vậy, câu hỏi trong các tiết giảng thúc đẩy cả thầy và trò tăng cường tư duy, động não, tập trung vào bài học. Đặt câu hỏi chính là cách dẫn dắt để người học đến được câu trả lời và nhớ được câu trả lời tự nhiên nhất. Với các vấn đề mở, giáo viên nên để học sinh thảo luận và khuyến khích quyền được trao đổi, phát biểu ý kiến cá nhân.

Một điều quan trọng nữa là giáo viên cần truyền được cho người học tinh thần học tập, sự hăng say sôi nổi trong các giờ học. Thông qua các câu chuyện, các tấm gương đạo đức và ngay cả trong việc đánh giá công bằng kết quả học tập của các em, giúp các em có động lực, cố gắng vươn lên trong học tập, cũng như trong cuộc sống.

Tóm lại, để làm tốt công tác giảng dạy GDCD, bản thân mỗi giáo viên phải luôn mang trong mình ngọn lửa tâm huyết, say sưa với nghề. Bên cạnh đó cũng phải không ngừng học hỏi, trau dồi nghiệp vụ sư phạm để đáp ứng yêu cầu giáo dục đề ra, để “mỗi thầy giáo, cô giáo thật sự trở thành tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo” cho học sinh noi theo.


Tập tin đính kèm
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Văn bản
Video Clip
Liên kết website