• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRƯỜNG THPT MINH CHÂU
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vấn nạn bạo lực học đường

VẤN NẠN BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG

Ở độ tuổi học sinh, lẽ ra việc đi học là một điều đáng tự hào khi được mở mang kiến thức cùng nhiều trải nghiệm thú vị, ấy thế mà đáng buồn là có một số thành phần học sinh lại có những hành vi ‘”bạo lực học đường” với các bạn học. Đây không phải một vấn đề mới mẻ mà vốn đã xuất hiện từ lâu, gây ra nhiều nỗi ám ảnh, vấn đề đau đầu và nhức nhối cho toàn xã hội…. Vì vậy, với bài viết này, em hy vọng sẽ truyền tải được đến cho các bạn học sinh và mọi người một nhận thức sâu sắc hơn về vấn nạn này.

      Trước tiên, ta cần tìm hiểu về thực trạng của vấn đề bạo lực học đường. Theo thống kê, nước ta lại đang có xu hướng bạo lực học đường tăng. Bạo lực học đường không chỉ là các hành vi xâm phạm thể chất (đánh đấm, xô đẩy, bắt nạt hội đồng…), đánh vào tinh thần (sỉ nhục ngoại hình, đe dọa,…) mà còn có cả xâm hại tình dục (sàm sỡ, sử dụng hình ảnh riêng tư….). Với sự phát triển của công nghệ hiện đại, nhiều trường hợp còn thể hiện vấn nạn này công khai ngay trên internet như : đăng bài viết nói xấu bạn học, phát trực tiếp hình ảnh học sinh đang xô xát…

      Đôi khi, việc bạo lực học đường lại không thể hiện quá rõ ràng qua các hành vi, cử chỉ, lời nói. Điển hình là các vụ tẩy chay, kì thị học sinh trong tập thể. Những vụ đánh úp hội đồng không quá đỗi xa lạ. Thế nhưng, sẽ ra sao nếu cả một lớp cùng có ác cảm về một bạn học? Đơn giản một bạn nào đó có ngoại hình hơi khác biệt hay có một hoàn cảnh yếu thế đều có thể là những nạn nhân của những vụ bắt nạt tập thể như thế. Xì xào bàn tán, mắng chửi sau lưng, âm thầm bắt nạt như một sự vô hình dưới cả một tập thể lớn khiến học sinh khác biệt ấy hoảng loạn biết bao. Cả một tập thể “chĩa súng” vào một học sinh, làm sao có thể chịu được đây? Có những học sinh, dù không có ý xấu song cũng vô tình cùng bàn tán, liếc nhìn, đánh giá cũng đã gián tiếp thực hiện hành vi bạo lực học đường tương tự như vậy.

Hậu quả của bạo lực học đường để lại đáng sợ đến nhường nào?  Một điểm chung của những nạn nhân bị bạo lực học đường là bị sang chấn tâm lý, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần. Học sinh bị bạo lực sẽ bị ám ảnh tâm lý dần có dấu hiệu lo lắng, sợ hãi, tự ti, có nguy cơ mắc các bệnh tâm lý. Điều này có thể làm ảnh hưởng tới thành tích học tập, vấn đề giao tiếp xã hội và cả chính tương lai của những nạn nhân này… Đối với người bạo lực học đường, đó chính là những con người đang trưởng thành theo cách không đúng đắn, mắc sai lệch về chuẩn mực đạo đức. Những học sinh đang bắt nạt bạn học, thực hiện các hành vi bạo lực học đường là những người đang tự hủy hoại chính bản thân mình, đánh mất cơ hội phát triển tốt đẹp trong tương lai và gây ra những hệ lụy xấu tới xung quanh. Sống trong môi trường học tập có tệ nạn bạo lực sẽ kéo theo nhiều học sinh lớn lên, trưởng thành không toàn diện về mặt đạo đức, nhân phẩm. “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”, nếu một thế hệ trẻ bị cuốn vào tệ nạn xấu, xã hội tương lai cũng bị đe dọa khi tồn tại thiếu đi sự văn minh văn hóa từ sự thiếu chuẩn mực ấy, các mối quan hệ xã hội sẽ trở nên gay gắt, một xã hội không đoàn kết sẽ đem đến nhiều hệ quả xấu to lớn cho nhân loại.

      Trước tính nghiêm trọng đó, chúng ta cần nhanh chóng ngăn chặn vấn nạn bạo lực học đường càng sớm càng tốt. Nguyên nhân dẫn tới bạo lực học đường cũng rất nhiều nhưng đa số xuất phát từ chính tâm lý của học sinh. Nhân cách con người được hình thành chính là do môi trường xung quanh. Với trẻ khi lớn lên trong gia đình bạo lực hay không mấy hòa thuận cũng có thể sinh ra những tâm lý bất ổn, từ đó gây tổn thương cho bạn học ở môi trường khác. Chính vì vậy, phụ huynh cần sát sao, quan tâm tìm hiểu con em mình, phối hợp với giáo viên và nhà trường để quản lý, dạy bảo con cái toàn diện (ít nhất là về vấn đề làm xung đột, làm tổn thương người khác). Là một môi trường giáo dục, thầy cô cần quan tâm tới lĩnh vực đạo đức, dạy bảo các em phải phép, giáo dục các em toàn diện. Đối với các hành vi bạo lực, nhà trường cùng phụ huynh cũng nên có biện pháp giải quyết công bằng (không chỉ quan tâm tới nạn nhân, chỉ trích học sinh bạo lực mà nên tìm hiểu sâu xa nguyên nhân, diễn biến), tìm lối giải quyết phù hợp để tránh tình trạng tồi tệ hơn xảy ra.

      Ngoài ra, mọi người cũng nên quan tâm, chú ý tới môi trường xung quanh. Ngoài hai môi trường chính kể trên, hiện nay, học sinh còn có thể tiếp cận công khai trực tiếp các thông tin lớn từ mạng xã hội, internet toàn cầu. Từ đó, ngay cả những nội dung tiêu cực như tình dục, bạo lực mạnh, thói nói xấu bốc phốt nhau hay cả chơi những tựa game thực tế ảo rồi ảo tưởng... cũng lan truyền đến học sinh gây ra các hành động xấu trong thực tế. Internet tuy thuận tiện nhưng lại là một trong những nguyên nhân đáng sợ bậc nhất khiến chúng có những thay đổi suy nghĩ lệch lạc về các hành vi thiếu đạo đức đó. Vậy nên, với học sinh cũng cần tự có nhận thức của riêng mình về môi trường xung quanh. Mỗi học sinh hãy nghiêm túc, biết chọn lọc thông tin trong môi trường rộng lớn để hoàn thiện bản thân một cách đúng đắn nhất. Thầy cô hay bố mẹ, bạn bè tác động tuy lớn nhưng quan trọng bản chất vẫn chính là những học sinh trong guồng…

Các bạn hãy cố gắng giữ bản thân mình là phiên bản tốt nhất chứ đừng trở thành một phiên bản tồi tệ nhất. Học sinh chứng kiến các tình huống bạo lực, hãy bình tĩnh, không hùa reo theo cái xấu, hãy can ngăn tình huống nhất có thể rồi báo cáo với thầy cô hay người lớn để xử lý vụ việc. Học sinh bị bạo lực, hãy mạnh mẽ, vượt qua nỗi sợ của chính mình, mạnh mẽ đối mặt với vấn đề và nhờ sự trợ giúp từ các mối quan hệ khác xung quanh. Mỗi học sinh đi học, đều xứng đáng được ở trong môi trường lành mạnh, được yêu thương, biết hạnh phúc. Muốn được vậy, không chỉ học sinh, cả xã hội cùng chung tay góp sức, sống văn minh, đạo đức để xã hội tương lai ngày càng phát triển tốt đẹp.

      Qua bài viết trên, em hy vọng thông tin này sẽ hữu ích và truyền tải được tới mọi người một thông điệp quan trọng trong xã hội hiện nay :

“HÃY CHUNG TAY ĐẨY LÙI BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG VÌ MỘT NGÀY MAI TƯƠI SÁNG!”.

 

                                                                Học sinh: Phạm Thị Hồng Nhung 11D


Tổng số điểm của bài viết là: 237 trong 53 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Văn bản
Video Clip
Liên kết website